Douglas Carl Engelbart là một kỹ sư và nhà phát minh, người tiên phong về máy tính và mạng Internet người Mỹ. Ông nổi tiếng vì đã sáng lập ra lĩnh vực tương tác người-máy tính, đặc biệt là khi còn đang công tác tại Trung Tâm Nghiên Cứu Augmentation của Viện nghiên cứu khoa học SRI Quốc tế, ông đã phát minh ra chuột máy tính và phát minh ra ngôn ngữ siêu văn bản, các máy tính kết nối mạng và những tiền thân của các giao diện người dùng bằng đồ họa. Những phát minh này được chứng minh tại cuộc trình diễn thử The Mother of All Demos năm 1968. Ông còn được đặt tên cho một định luật về tốc độ làm việc thực của con người là theo luật số mũ, định luật Engelbart.


Tuổi trẻ và học vấn

Engelbart sinh tại Portland, bang Oregon ngày 30 tháng 1 năm 1925, con của ông bà Carl Louis Engelbart và Gladys Charlotte Amelia Munson Engelbart. Ông mang trong mình 3 dòng máu, Đức, Thụy Điển và Na Uy.

Ông là con thứ hai trong gia đình 3 anh em, ông có một chị gái tên Dorianne (nhiều hơn ông 3 tuổi) và một em trai (ít hơn ông 1 tuổi). Gia đình ông sống tại Portland, bang Oregon trong những năm tháng ông còn nhỏ, sau đó chuyển đến vùng phụ cận Johnson Creek khi ông 8 tuổi. Một năm sau đó cha ông qua đời. Ông tốt nghiệp Trường Trung Học Portland's Franklin năm 1942.

Đang học dở tại Trường Đại học bang Oregon, ông nhập ngũ, phục vụ hai năm trong Hải Quân Hoa Kỳ làm kỹ sư radar và radio tại Philippines. Trong khi đang đóng quân trên một hòn đảo nhỏ, trong một chiếc lán nhỏ, ông đọc được bài báo của Vannevar Bush "Như Chúng Ta Nghĩ," đã vô cùng truyền cảm hứng cho ông. Ông quay trở lại Trường Đại học bang Oregon và giành được tấm bằng cử nhân ngành kỹ sư điện năm 1948. Khi học tại Trường Đại học bang Oregon, ông là một thành viên của hội đồng minh Sigma Phi Epsilon. Ông làm thuê cho Ủy Ban Tư Vấn Hàng Không Quốc Gia tại Trung Tâm Nghiên Cứu Ames. Tại đây ông làm công việc bảo trì hầm gió. Trong thời gian rảnh, ông thích đi bách bộ, dã ngoại và nhảy dân vũ. Cũng tại đây ông gặp gỡ bà Ballard Fish vừa mới hoàn thành khóa đào tạo trở thành bác sĩ trị liệu. Họ kết hôn tại Công viên bang Portola tháng 5 năm 1951. Không lâu sau đó, Engelbart rời Ames để nghiên cứu sinh tại Trường Đại học California, Berkeley. Tại đây ông giành được tấm bằng Thạc sĩ khoa học chuyên ngành kỹ sư điện tử năm 1953 và bằng Tiến sĩ năm 1955.

Sự nghiệp

Khi còn là một nghiên cứu sinh tại Berkeley, ông tham gia xây dựng chiếc máy tính điện tử số CALDIC. Công việc nghiên cứu sinh giúp ông có 8 bằng sáng chế. Sau khi bảo vệ bằng tiến sĩ, ông tiếp tục ở lại Berkely làm trợ giảng một năm trước khi chia tay vì ông tuyên bố rằng không thể theo đuổi tầm nhìn của mình tại đây. Sau đó Engelbart thành lập một công ty khởi nghiệp, Digital Techniques (Kỹ thuật số) thương nghiệp hóa một số nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ của ông về các thiết bị lưu trữ nhưng thay vào đó một năm sau quyết định theo đuổi nghiên cứu mà ông đã mơ ước từ năm 1951.

Engelbart nộp đơn xin bằng sáng chế năm 1967 và đến năm 1970 nhận được nó dành cho phát minh chiếc vỏ gỗ cùng hai bánh xe kim loại (chuột máy tính - Hoa Kỳ, Bằng sáng chế số 3.541.541) được ông phát triển cùng Bill English, kỹ sư trưởng của ông, vào khoảng thời gian trước năm 1965. Trong đơn nộp cấp bằng sáng chế ông mô tả nó tên là "thiết bị định vị X-Y dành cho màn hình máy tính." Sau này Engelbart hé lộ đặt cho nó biệt danh là "chuột" vì có cái đuôi (thực chất là dây) lòi ra ở phía cuối. Nhóm của ông còn gọi con trỏ chuột trên màn hình là "con bọ" nhưng thuật ngữ này không được sử dụng rộng rãi.


Vinh danh

Tháng 12 năm 1995, tại Hội Nghị WWW lần thứ 4 ở Boston, ông lần đầu tiên được nhận giải thưởng mà sau này gọi là Giải Yuri Rubinsky Memorial.

Năm 1997, ông nhận giải Lemelson-MIT, trị giá 500.000$, giải thưởng cá nhân lớn nhất thế giới dành cho công việc sáng chế và giải ACM Turing Award. Để kỷ niệm 30 năm ngày Engelbart thực hiện cuộc trình diễn thử, năm 1968, năm 1998 Cơ quan lưu trữ  Stanford thung lũng Silicon và Viện Tương Lai đã tổ chức hội nghị Cuộc cách mạng chưa kết thúc của Engelbart, một hội nghị chuyên đề tại Thính phòng tưởng niệm của Trường Đại học Stanford để vinh danh Engelbart cùng các sáng chế của ông. Ông cũng được tiến cử Phòng vinh danh những nhà sáng chế quốc gia năm 1998.

Cũng trong năm 1998, Hiệp hội máy tính đã trao cho Engelbart giải thưởng Thành Tựu Trọn Đời. Năm 1996, Engelbart được nhận Bằng Công Trạng của Viện Franklin và Huân chương Benjamin Franklin năm 1999 về Máy tính và Khoa học nhận thức.

Tháng 12 năm 2000, Tổng thống Bill Clinton tặng ông Huân chương nhà nước về Công nghệ, giải thưởng về công nghệ cao nhất của quốc gia. Năm 2001 ông nhận Huân chương chiến công của Hội Máy tính Anh Quốc.

Năm 2005, ông đã trở thành thành viên của Bảo tàng Lịch sử Máy tính "vì mở đầu việc nghiên cứu sự tương tác giữa người và máy tính, sáng chế ra chuột máy tính, thiết bị nhập và vì những ứng dụng máy tính để cải thiện hiệu quả tổ chức."

Ông vinh dự được nhận giải thưởng Norbert Wiener được trao hàng năm bởi hội Các chuyên gia máy tính vì trách nhiệm xã hội.

Ngày 9 tháng 12 năm 2008, Engelbart được vinh danh lại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thực hiện cuộc trình diễn thử "Mother of All Demos."

Tháng 6 năm 2009, Tập đoàn New Media tiến cử Engelbart vào danh sách nhận giải thành tựu trọn đời của tập đoàn.

Năm 2011 Engelbart được tiến cử vào phòng vinh danh hệ thống trí tuệ nhân tạo của Hội máy tính IEEE.

Engelbart  nhận được bằng tiến sĩ danh dự đầu tiên về Kỹ thuật và Công nghệ từ Trường Đại học Yale vào tháng 5 năm 2011.

Engelbart mất tại nhà riêng ở Atherton, California vào ngày 2 tháng 7 năm 2013 vì bị suy thận hưởng thọ 88 tuổi, được chăm sóc bởi người vợ thứ hai, 4 người con từ cuộc hôn nhân đầu tiên và 9 đứa cháu. Theo Viện Doug Engelbart, ông qua đời sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh suy giảm trí nhớ, được chấn đoán mắc từ năm 2007.